DI TÍCH LỊCH SỬ MIỀN BẮC

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

QUẢNG TRƯỜNG BA ĐÌNH

Quảng trường Ba Đình ban đầu là một cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi sầm uất buôn bán với nhiều làng nghề. Đến đầu thế kỷ 20, Quảng trường được người Pháp xây dựng và lấy tên của một linh mục người Pháp là Puginier đặt cho quảng trường (Rond Point Puginier).

Quảng trường Ba Đình còn được biết đến với 2 tên nữa là: Quảng trường Hồng Bàng và Quảng trường Độc Lập. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại đặt tên là Quảng trường Hồng Bàng. Về tiếp quản Thủ đô, Ủy ban hành chính Hà Nội đề nghị lấy tên cũ là Quảng trường Độc Lập nhưng Bác Hồ “bác’’ đi. Người nói cứ giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình.

Tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai đặt. Ông giữ chức Thị trưởng Thành phố từ ngày 20/7 đến ngày 19/8/1945. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Quảng trường Ba Đình là vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Ba Đình là tên gọi một cụm 6 đảo, hồi đầu thế kỷ 19 là 4 thôn của 3 xã ở 2 tổng, nằm giữa một bãi lầy quanh năm ngập nước, thuộc huyện Nga Sơn ở Đông Bắc tỉnh Thanh Hóa. Từ cuối tháng 11 đầu tháng 12/1886 đến sáng ngày 21/01/1887, ở đấy đã diễn ra một trận chiến giữa quân đội của Triều đình Hàm Nghi thiên đô chống Pháp với quân đội xâm lược thực dân Pháp và tay sai. Địch đã tập trung về Ba Đình một quân lực lớn chưa từng có, so với tất cả các chiến dịch của chúng trên đất nước Đại Nam dưới Đệ tam Cộng hòa Pháp.

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, Quảng trường ấy vẫn tên gọi Ba Đình như bây giờ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta được giải phóng, nhân dân Việt Nam đã thoát khổi địa vị nô lệ vươn lên trở thành người làm chủ đất nước. Để chuẩn bị cho ngày Lễ Độc lập, đã có nhiều nơi được đưa ra để lựa chọn tổ chức sự kiện và cuối cùng Quảng trường Ba Đình đã được lựa chọn.

Như vậy, chỉ hơn một tháng sau khi có tên gọi “Quảng trường Ba Đình”, cùng với vận hội mới của đất nước, các phương tiện thông tin thế giới đã đồng loạt đưa tin: Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu với bộ quần áo ka-ki, đôi déo cao su - tất cả đều vô cùng giản dị, gần gụi. Xung quanh Bác là hàng chục vạn đồng bào vỗ tay, reo hò… tất cả đã ghi tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam về ngày Quốc khánh tuyệt vời năm 1945 hào hùng ấy!

Khi nói về lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: Bác Hồ chọn Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập vì Bác Hồ muốn có một thông điệp không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn là với toàn thế giới, như Bác Hồ đã khẳng định:  Quyền độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam giành lại được và nó phù hợp với nguyên lý của nhân loại.

NHÀ TÙ HỎA LÒ   

Cuối thế kỷ XIX, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp: bổ sung lực lượng cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống toà án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh - tổng Vĩnh Xương - huyện Thọ Xương - Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.

 

Từ một làng nghề thủ công làm đồ gốm có tiếng, thực dân Pháp đã biến mảnh đất Hỏa Lò thành nơi giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Sống trong ngục tù đế quốc, với chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đọa đày nhưng các chiến sỹ yêu nước, cách mạng vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học và là nơi phổ biến lý luận cách mạng. Nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân dân, với tổ chức, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

  

Có rất nhiều nhà lãnh đạo yêu nước và cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… và năm đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.

 

Tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ Việt Nam đã quản lý và tạm thời sử dụng nhà tù Hoả Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 05/8/1964 đến 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này, phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò tên gọi hài hước “Hà Nội Hilton”. Những phi công Mỹ bị giam giữ tại đây có cả Douglas Peter Peterson, sau này trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và John Mc Cain - hiện là Thượng nghị sỹ Mỹ.

 

Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà tù Hỏa Lò. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để xếp hạng trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội. Nơi đây có Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

KHU DI TÍCH K9

Địa điểm này vào năm 1957 trong một lần tham sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của TW đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị TW Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969.


Về cơ bản từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông (có thời gian không dài ở K2). Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, tại K9 đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát về Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 18/7/1975 đoàn xe về đến quảng trường Ba Đình. Kính cẩn và trang nghiêm đưa thi hài của Bác vào Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người. Hiện nay, K9 đã trở thành nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Bác, Bộ Tư lệnh Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9. Tại đây du khách thắp hương Nhà thờ Bác Hồ, tham quan khu vực bảo quản thì hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. Bên trái của khu đồi là dòng sông Đà êm đềm chảy, du khách có thể chụp ảnh lưu niệm với cảnh quan thiên nhiên đầy thơ mộng.

TỈNH TUYÊN QUANG

CHIẾN KHU TÂN TRÀO

Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn 12 xã trong Khu ATK (An toàn khu), thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng nhiều cơ quan Trung ương; là “Thủ đô Khu giải phóng” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là “Thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gồm các địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan... Đây là những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống không thể bỏ qua của du khách khi đến với Tuyên Quang.

Nhờ vị trí chiến lược quan trọng cùng những điều kiện thuận lợi, trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là “Thủ đô Khu giải phóng” - nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc: Khai mạc Quốc dân Đại hội (ngày 16, 17-8-1945) tại đình Tân Trào, thể hiện quyết tâm hưởng ứng chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước; thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch... Từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi. Các địa phương trong cả nước lần lượt giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang, mở ra trang sử mới cho dân tộc với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau Cách mạng Tháng Tám không lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong giai đoạn 1947-1954, Tân Trào lại trở thành “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc và lãnh đạo toàn dân kháng chiến, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với những thắng lợi vẻ vang đó, Tân Trào là nơi ghi dấu những mốc son chói lọi của dân tộc, trong đó không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LÁN NÀ NƯA

Trong căn lán Nà Nưa đơn sơ ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, Bác Hồ đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền thành công trong cả nước. 

Lán Nà Nưa cũng là nơi Bác Hồ đã nói câu bất hủ: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Đây là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trong cả nước thành công. Chính vì vậy mà căn lán rất đơn sơ, giản dị giữa núi rừng Tân Trào của tỉnh Tuyên Quang được nhân dân Việt Nam gọi là Phủ Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam chúng ta .

Căn lán Nà Nưa của Bác Hồ được người lựa chọn dựng ở sườn núi Nà Nưa, ngay sát chân núi Hồng. Vị trí này đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của Bác đề ra lúc bấy giờ, đó là: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái.

Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi. Lán được chia làm 2 gian nhỏ, có vách ngăn giữa 2 gian. Gian ngoài là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian phía trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Ở chái phía Tây có sàn để hai ống bương (bắng) nước. Mặt sàn bằng phên nứa đan nong mốt. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối.

TỈNH CAO BẰNG

HANG PÁC BÓ

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách Trung tâm Thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc. Đây là nơi đã gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945.


Đến với Pác Bó, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến và cảm nhận những địa danh quen thuộc đã đi vào trang sử hào hùng của đất nước như: Cột mốc biên giới Việt Trung số 108, hang Cốc Bó, Bàn đá dịch sử Đảng, lán Khuổi Nặm… cùng với dòng suối Lê Nin trong xanh hiền hòa, ôm lấy ngọn núi Các Mác hùng vĩ do chính Bác đặt tên trong thời gian Người hoạt động tại nơi đây.

ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI NĂM 1950  

Chiến dịch đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu.

Sáng sớm ngày 16/9/1950, từ vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông, xã Đức Long, huyện Thạch An (cách Đông Khê 11km theo đường chim bay) Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê – Trận đánh mở màn cho chiến dịch Biên giới 1950. Trong khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chăm chú quan sát mặt trận từ trên đỉnh núi Báo Đông, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã kịp thời chớp ống kính ghi lại bức ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh đang quan sát mặt trận Đông Khê” với thần thái của vị chỉ huy tối cao ánh trong khói lửa và niềm tin chiến thắng đã được giữ lại cho muôn đời. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên và là chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Tổng tư lệnh tối cao, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu.

Khi quan sát mặt trận Đông Khê trên đỉnh núi Báo Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tức cảnh làm bài thơ “Lên núi” nổi tiếng:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói, cầy


Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm ra sát mặt trận để cùng Bộ chỉ huy chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn sức mạnh động viên tinh thần vô cùng to lớn lan truyền đến toàn thể quân và dân ta. Bác Hồ ra trận là biểu hiện ý chí quyết thắng quân địch cao nhất của Đảng và nhân dân ta. Khắp mặt trận nô nức thi đua giết giặc lập công, đưa chiến dịch đến toàn thắng.

TỈNH ĐIỆN BIÊN 

QUẦN THỂ DI TÍCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, đêm 6/5/1954, quân ta đã đào một đường hầm, đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg và cho điểm hỏa. Đến sáng 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi hoàn toàn. 

Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là căn hầm với các phòng làm việc, nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Một di tích khác không thể không nhắc tới cùng những bản hùng ca về người chiến sĩ Điện Biên đó là di tích Đường kéo pháo. Tuyến đường huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Chỉ bằng sức người cùng những dụng cụ thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần anh dũng quả cảm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa.

Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31/1 đến 15/5/1954. Trong những ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”.

Trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, một công trình tuy ra đời trong thời bình nhưng có vai trò hết sức quan trọng, đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được hoàn thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có hình dáng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội ta năm xưa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm 2 khu trưng bày: Bên ngoài gồm 112 hiện vật là các loại vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng, bên trong trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu.