DI TÍCH LỊCH SỬ MIỀN NAM

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

DINH ĐỘC LẬP

Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công xây dựng Dinh ngày 01/7/1962. Trong thời gian xây dựng Dinh mới, gia đình Ngô Ðình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (hiện nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính giết chết ngày 02/11/1963. Do vậy, ngày khánh thành Dinh 31/10/1966, người chủ tọa buổi lễ là Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia. Ngô Ðình Diệm là người khởi xướng xây dựng Dinh Ðộc Lập nhưng ông ta không được sống ở đây một ngày nào, mà người có thời gian sống ở Dinh thự này lâu nhất là Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975). 

Nhưng điều gì phải đến đã đến.

Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10h45’ ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh. 11h30’ cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận – Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vào giờ phút này, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân 2 miền Nam – Bắc sum họp một nhà. Tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã toàn thắng.

BẾN NHÀ RỒNG

Bến cảng Nhà Rồng là di tích lịch sử nổi tiếng, gắn liền với hành trình đi tìm đường cứu nước vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đây, nơi này từng là trụ sở của thương cảng Sài Gòn, được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1863. Chính tại bến cảng này, vào ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Việt Nam sang Pháp và bắt đầu cuộc hành trình làm nên những chiến thắng vĩ đại cho dân tộc.

Chính vì vậy, nơi đây mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng và trở thành một biểu tượng của thành phố mang tên Bác. Khi chiến tranh tại miền Nam kết thúc, bến cảng này do chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Sau đó, họ đã tu sửa và cải tạo lại công trình với 4 khu vực chính là bảo tàng Hồ Chí Minh, tượng đài Bác, khuôn viên bến cảng và đài phun nước. Người dân địa phương thường gọi bảo tàng là “Nhà Rồng” và bến cảng gần đó là “bến Nhà Rồng”.

ĐỊA ĐẠO CỦ CHI

Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm … 

Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, quân và dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt.

Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân đội Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”…


THÀNH PHỐ CẦN THƠ

DI TÍCH KHÁM LỚN

MỘT MIỀN KÍ ỨC ĐAU THƯƠNG CỦA DÂN TỘC

Di tích lịch sử Khám Lớn tọa lạc tại số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Khám Lớn Cần Thơ được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1878-1886 như một công cụ cai trị của chính quyền thực dân thời bấy giờ. Tồn tại qua hơn trăm năm, nơi đây chính là bằng chứng tội ác của thực dân và đế quốc cũng như minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt. Nhằm nêu cao và giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ noi theo, ngày 28/6/1996 Bộ Văn Hoá thông tin ra quyết định công nhận di tích lịch sử Khám Lớn Cần Thơ là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Theo các tư liệu cũ, sau khi chiếm trọn Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp thành lập hạc Cần Thơ, cho đầu tư xây dựng nhiều công trình quân sự và kinh tế. Bên cạnh sự quy mô hào nhoáng của các công trình đó, thực dân Pháp không quên xây dựng nhà tù với quy mô lớn , kiên cố, liền kề Dinh Tham Biện, ngang cơ quan tòa bố tỉnh Cần Thơ với tên gọi Prison Provinciale (nhà tù tỉnh) nhằm tăng cường bộ máy cai trị. Gọi là Khám Lớn vì đây là nhà tù lớn nhất các tỉnh miệt Hậu Giang, tập trung giam giữ các nhà tù nhân yêu nước bị án nặng, gây nguy hiểm tới chế độ cai trị, hoặc vẫn thường phạm các tội nặng. Đến thời Mỹ nguỵ đổi tên thành “Trung Tâm cải huấn”, sau ngày hòa bình nhân dân vẫn quen gọi là “Khám Lớn Cần Thơ”.

ĐẶC ỦY AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG HẬU GIANG

      Trên đường vào phường Long Hoà, Long Tuyền (Quận Bình Thủy) bên phía tay phải   có căn nhà mang số 34/7 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ      ngày xưa là căn nhà được thuê làm cơ quan của Đặc Uỷ An Nam Cộng Sản Đảng Hậu   Giang. 

Trung tuần tháng 9/1929 tại đây đã diễn ra sự kiện rất quan trọng đối với Đảng bộ miền Hậu Giang. Đó là Hội nghị thành lập tổ chức “Đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang” do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì và chỉ đạo bầu Ban chấp hành Đặc uỷ gồm đồng chí: Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Trí... do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí Thư.

Sau 5 tháng hoạt động Đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang đã xây dựng các cơ sở Đảng khắp miền Hậu Giang, góp phần quan trọng trong việc tiến tới thống nhất Đảng thành một tổ chức Đảng duy nhất,  để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Sau ngày 3/2/1930, thống nhất ba tổ chức đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Đặc ủy trực thuộc Xứ Uỷ Nam kỳ. Đồng chí Ung Văn Khiêm được phân công làm Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư Đặc ủy Hậu Giang. 

Tháng 04/1930 do yêu cầu bảo toàn cho Đặc ủy, nên cơ quan Đặc ủy chuyển sang tỉnh Sa Đéc. 

Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng có giá trị lịch sử, đã đặt nền tảng đầu tiên, là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Đảng bộ và phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Hậu Giang. Do đó, Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 154.VH/QĐ, ngày 25-01-1991 công nhận cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang là di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Năm 1995 Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ cùng với nhân dân phường Bình Thủy đã xây dựng công trình bia tưởng niệm Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, tại phường Bình Thuỷ.

CĂN CỨ VƯỜN MẬN

Căn cứ Vườn Mận là di tích lịch sử - văn hóa căn cứ Ban Chỉ huy tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ.

Đến vườn mận không thể quên gia đình ông Lê Văn Tiểu đã dành trọn căn nhà và mảnh vườn của mình cho Ban Chỉ huy tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ và đội biệt động thành phố và các tỉnh lân cận làm căn cứ. Với nhiều hầm bí mật và công sự chiến đấu được xây dựng chắc chắn làm từ thân dừa kết hợp với đất, ván, trấu...tất cả các hầm đều có 2 cửa thoát ra ngoài và được che khuất bởi những cây mận hồng đào. Dọc theo mé vườn là những công sự chiến đấu hình chữ Z, chữ L...Vườn Mận là một trong những căn cứ lõm của lực lượng cách mạng suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tuyến lộ Vòng Cung dày đặc đồn bót giặc, được xem là vành đai bảo vệ nội ô Cần Thơ. Tại đây Ban chỉ huy đã chỉ đạo bất ngờ tấn công vào cơ quan đầu não của địch tại vùng IV chiến thuật, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước.

Ngày 19/5/2011 công trình di tích lịch sử - văn hóa căn cứ Vườn Mận được khởi công xây dựng gồm nhiều hạng mục: nhà đa chức năng, bia di tích, các hầm bí mật, mô hình nhà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Phi,...Việc đầu tư xây dựng khu di tích nhằm lưu giữ, tôn vinh quá khứ hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và là sự tri ân đền ơn đáp nghĩa với những người đã cống hiến, hi sinh với quê hương đất nước.

Địa chỉ: khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.


TỈNH HẬU GIANG

CHIẾN THẮNG CHƯƠNG THIỆN

Chiến thắng Chương Thiện năm 1973 là minh chứng sống động cho một chủ trương đúng đắn, táo bạo, kịp thời của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long. Chiến thắng này cũng góp phần tạo ra một trong những cơ sở quan trọng để Nghị quyết 21 ra đời, tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng năm 1975. Trải qua hơn 40 năm sau chiến tranh, giờ đây, những hố bom, đồn bốt của địch đã được bà con sang lấp, để trở thành những vườn cây, ruộng lúa, trường học, trạm y tế, công trình văn hóa… phục vụ cho bà con sinh hoạt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 

Nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã cho xây dựng Khu di tích với tổng diện tích 144.227,5m2 (bao gồm: cụm tượng đài Chiến thắng Chương Thiện, nhà trưng bày, khu trưng bày ngoài trời, sân lễ và các hạng mục phụ trợ khác). Nhà trưng bày gồm 06 chủ đề,  với 181 ảnh, 146 hiện vật; sa bàn. Ngoài ra, khu trưng bày ngoài trời trưng bày một số hiện vật đồng thời.

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA KHU TRÙ MẬT VỊ THANH – HỎA LỰU

Hiệp định Geneve được ký kết ngày 20-7-1954 chưa ráo mực, Mỹ Diệm đã ngang nhiên phá hoại. Chúng chọn thị xã Cần Thơ làm trung tâm đầu não của Vùng 4 chiến thuật và từ đây có thể đánh chiếm các tỉnh chung quanh. Do vị trí chiến lược quan trọng của Long Mỹ - Vị Thanh, nên cả ta và địch đều xem trọng địa bàn đặc biệt này, là vùng đất nông nghiệp trù phú, dân cư đông đúc, vùng ruột khu căn cứ giải phóng của ta, nối liên hoàn với các tỉnh trong khu vực Cần Thơ – Rạch Giá – Cà Mau. Nếu cách mạng giữ được Long Mỹ - Vị Thanh là bảo vệ được cửa ngõ căn cứ U Minh, vừa tạo được bàn đạp tấn công ra thị xã Cần Thơ. Về phía địch, nếu thực hiện được âm mưu gom dân lập khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu, chiếm được Long Mỹ - Vị Thanh sẽ làm chỗ dựa để đánh phá, bình định vùng căn cứ U Minh, mà địch gọi là: “Đại bản doanh của Cộng sản”.  

Để thực hiện âm mưu trên, Mỹ Diệm đã tập trung những tên tay sai ác ôn, đầu hàng phản bội hận thù cách mạng và huy động hàng ngàn quân mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá, đuổi nhà, gom dân, bên cạnh đó Diệm đã ban hành Luật 10/59, với phương châm “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, lê máy chém về Long Mỹ để chém giết đồng bào ta. Chính Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) đích thân về đây động viên, khích lệ bọn tay sai thẳng tay chém giết những người bị tình nghi là “việt cộng” và ra giá mua một mật người từ 500 đến 700 đồng,.. oán hận ngất trời, máu chảy thành sông. 

Sống trong cảnh “cá chậu , chim lồng” nhân dân rất bất bình ngày càng uất hận, cùng dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng cách mạng đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Mỹ Diệm gom dân lập Khu Trù mật. Trước tình hình khó khăn phức tạp đó, chỉ sau sáu tháng ráo riết thi công, tuy mới xây dựng được một phần ba công trình, nhưng ngày 12-3-1960 chúng vội vã tổ chức khánh thành Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu.

       Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời như “nắng hạn gặp mưa” là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh trong huyện càng trở nên quyết liệt. Đêm 14-9-1960 lệnh Đồng Khởi được phát ra, lực lượng vũ trang của ta tập kích đánh chiếm nhiều nơi. Phối hợp với nhân dân và binh sĩ yêu nước trong khu trù mật và 12 điểm tập trung đã nhất tề nổi dậy lùng sục bắt bọn tay sai ác ôn giao cho cách mạng, đốt cờ, xé ảnh Diệm, lột bảng khẩu hiệu, phá rào, phá cổng trở về xóm ấp cũ. Tiếng reo hò, tiếng mõ, tiếng súng vang động, tạo nên một khí thế cách mạng, sức mạnh “tức nước vỡ bờ”. Ngoài đánh vào, trong nổi dậy làm cho kẻ thù ở khu trù mật bị tê liệt hoàn toàn.

       Để khắc sâu tội ác và giáo dục nhân dân ta nhất là thế hệ trẻ về lòng căm thù đối với Mỹ - Ngụy lập Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu, ngày 02 tháng 8 năm 1997 Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 2327/QĐ-VH công nhận “Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu di tích tội ác Mỹ Diệm tàn sát đồng bào” là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

TỈNH KIÊN GIANG

NHÀ TÙ PHÚ QUỐC

Nhà tù Phú Quốc nằm ở đường Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Kiên Giang. Với diện tích khoảng 500 km2, Khu di tích Nhà tù Phú Quốc là nơi tái hiện hàng trăm cực hình tra tấn dã man mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khủng bố đối với các chiến sĩ cách mạng của ta. Đây là nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản cùng với khoảng 40.000 tù nhân.

Tồn tại 6 năm với những mất mát đau thương, hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương, nhà tù Phú Quốc là điểm đến để lại cho du khách rất nhiều cảm xúc. Tại đây, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy từ cửa nhìn vào là từng phân khu làm việc riêng cho giám sát phân khu. Trong căn phòng này có chỗ để nhiều dụng cụ lao động như dao làm bếp, búa hay xẻng,... Mỗi dãy phòng, dãy cách nhau khoảng 5 m và thường không có hàng rào mà được thiết kế bằng giàn sắt. , vách tôn và mái tôn. Ngoài ra còn có các phòng thẩm vấn hoặc cách ly trong mỗi phân khu và một phòng dùng làm bếp để tù nhân tự nấu ăn.

TỈNH AN GIANG

DI TÍCH ĐỒI TỨC DỤP

Khu Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp thuộc địa phận xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Địa hình Tức Dụp cao 216m, với diện tích trên 2.200m, là sản phẩm thiên nhiên độc đáo được tạo hóa ban tặng, với chu vi hình cánh cung dài khoảng 3km. 

Đến với Tức Dụp, ngoài thám hiểm những điều kì thú từ thiên nhiên, bạn còn được sống lại những phút giây lịch sử thông qua các hình ảnh, nhân chứng và thiết bị vũ trang được trưng bày trong căn nhà Truyền thống. Tiến vào phòng Sa bàn, bạn sẽ hiểu rõ hơn về diễn biến trận đánh 128 ngày đêm lừng lẫy trong lịch sử, khi quân địch với một lực lượng hùng hậu gồm bộ binh, máy bay, pháo binh, nhưng chúng vẫn không thể đánh thắng được ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Tính ra, riêng sự mất mát về phương tiện chiến đấu, bom đạn, giặc Mỹ đã chi vào ngọn đồi này hơn 2 triệu USD nên Tức Dụp có thêm tên gọi  mới “Đồi hai triệu đô”. Bọn lính ngụy trong vùng thời đó hậm hực gọi là đồi “Tức Chết”. 

TỈNH BÌNH PHƯỚC

BỘ CHỈ HUY MIỀN TÀ THIẾT

Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, trụ sở của Bộ Chỉ huy miền đóng tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh được dời về khu vực Tà Thiết. Đây là trung tâm đầu não được mệnh danh là “khu rừng Chính phủ”, là nơi ở và làm việc của cơ quan B2. 

Căn cứ được xây dựng quy mô lớn, hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, trường lớp được xây dựng chắc chắn, bảo đảm tốt cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975. 

Tại đây, vào tháng 3/1973, đã diễn ra Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ III. Tháng 9/1973 diễn ra Hội nghị quân chính toàn Miền. Tháng 10/1973, diễn ra Hội nghị quán triệt học tập Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng cho cán bộ cấp cao của Miền và các tỉnh. Ngày 3/4/1975, tại đây, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn. Ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. 

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết) là di tích lịch sử quốc gia. 

Ngày 20/4/1995, di tích Tà Thiết được phục hồi lại nguyên trạng, gồm các hạng mục: Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Hầm chữ A, Hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng… 

SÂN BAY QUÂN SỰ LỘC NINH

Nhằm mục đích triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”(1965- 1967), đế quốc Mỹ tiến hành nhiều biện pháp để tiếp tế lương thực, vũ khí, các phương tiện chiến tranh phục vụ cho chiến trường Bình Phước và khu vực Campuchia. Vào ngày 10/3/1965, sân bay quân sự Lộc Ninh được đế quốc Mỹ cho xây dựng trên khu đồi cao, bằng phẳng, được lắp ghép bằng các vỉ sắt với diện tích 50.000m2 ngay khu vực trung tâm thị trấn Lộc Ninh.

Vào ngày 07/04/1972, diễn ra trận quyết chiến chiến lược giải phóng Lộc Ninh - huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Tiếp đó đến ngày 31/1/1973, tại sân bay quân sự Lộc Ninh, quân và dân ta với hàng ngũ chỉnh tề đã long trọng làm lễ tiễn phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do tướng Trần Văn Trà dẫn đầu đáp may bay về Sài Gòn dự phiên họp đầu tiên của Ban liên hiệp quân sự bốn bên tại trại David- Sài Gòn.

Tại chính nơi đây, sân bay quân sự Lộc Ninh quân ta đã trao trả 27 tù binh sỹ quan, binh lính và nhân viên quân sự Mỹ, họ đã cảm ơn quân và dân ta đã giúp họ thoát chết và được trở về đoàn tụ với gia đình. Ngày hôm đó, những người con yêu nước của ta bị đế quốc Mỹ giam giữ cũng được thả tự do đã lột bỏ quần áo tù nhân và hô to khẩu hiệu :“Không có gì quý hơn độc lập tự do” cùng hàng ngàn đồng bào Lộc Ninh tay cầm cờ hoa để đón chào những người chiến thắng trở về trong niềm xúc động không thể tả xiết.

Những ngày tháng sau, ngày 12/02/1973 đến ngày 28/3/1973 các cuộc trao đổi tù binh đã diễn ra, trả tự do cho 26.492 tù binh. Trong đó tại sân bay Lộc Ninh đã diễn ra 04 đợt trao trả tù binh tại đây. Đến ngày 7/3/1974, những tù binh cuối cùng được trao trả tại sân bay quân sự Lộc NinhNinh.

TỈNH BẾN TRE

DI TÍCH ĐỒNG KHỞI

Ngày 17-1-1960: Cuộc đồng khởi của đồng bào Bến Tre. Cách đây 62 năm, ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày đã nổi dậy đánh đồn bốt, diệt ác ôn, giải tán chính quyền địch, giành lấy quyền làm chủ thôn xã. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện “Đội quân tóc dài” trong phong trào “Đồng khởi”.

Từ ba xã trên, cuộc nổi dậy lan ra toàn huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre, trở thành cao trào “Đồng khởi” như nước vỡ bờ nổ ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ. Tính đến cuối năm 1960, cả miền Nam có 2.627 xã, người dân đã giành quyền tự quản ở 1.383 xã. Số dân ở vùng giải phóng khoảng 5,6 triệu người.

Phong trào Đồng khởi 1960 ở Bến Tre đã mở ra cục diện mới triển vọng cho cách mạng miền Nam, góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy.

Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre còn là thắng lợi có ý nghĩa chính trị lịch sử sâu sắc, ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng. Chiến công đó của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre được cả nước ghi nhận. Đại tướng Hoàng Văn Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương đã khẳng định: “Phong trào Đồng khởi 1960 là mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng Khởi…”.

TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

NHÀ TÙ CÔN ĐẢO

Nhà tù Côn Đảo là một hệ thống nhà tù được người Pháp xây dựng bắt đầu từ ngày 1/2/ 1862 với hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang trên mảnh đất Côn Đảo nằm giữa biển Đông, thuộc Nguyễn Chí Thanh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Nhà tù Côn Đảo từng là nơi thực dân Pháp sử dụng để giam giữ tù nhân đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù. Nguyên nhân vùng đất này được thực dân Pháp lựa chọn là địa điểm xây dựng nhà tù ở Côn Đảo, vì đây là một vùng biệt lập, xa đất liền và không có phương tiện lưu thông, khó khăn khi di chuyển khiến cho tù nhân không thể trốn thoát ra ngoài được. 

Diện tích của nhà tù cực rộng và được chia ra nhiều khu để giam giữ nhiều tù nhân khác nhau đi kèm với đó là các hệ thống biệt gian cùng các hình thức tra tấn tàn bạo, riêng biệt, nhà tù Côn Đảo luôn gắn liền với các tên gọi “địa ngục trần gian” hay “nơi khắc nghiệt nhất của chế độ tù đày”. 

Hệ thống nhà tù bao gồm 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp”. Các tù nhân vi phạm chính trị, tử tù hay các nhân vật quyết định mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm đều bị giam giữ tại nhà tù, chuồng cọp này. Sau này, khi thực dân Pháp rời đi, đế quốc Mỹ đã trưng dụng nơi này tiếp tục giam cầm.

Nhà tù Côn Đảo đã chứng kiến khoảng 20 nghìn chiến sĩ yêu nước của ta thuộc nhiều thế hệ bị giam cầm, tra tấn và hy sinh trong hơn 100 năm. Mặc dù bị tra tấn, giam cầm với đủ các thủ đoạn, âm mưu mánh khóe, nhằm dập tắt lòng yêu nước nhưng với tinh thần kiên cường, bất khuất, quả cảm các chiến sĩ cách mạng yêu nước vẫn không hề nao núng tinh thần trước những hình phạt đó. 

Vào năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất hai dải, Bắc – Nam về chung một nhà, nhà tù bị đưa ra ánh sáng và giải thể. Hiện nay, nhà tù đã nằm trong top 23 di tích quốc gia đặc biệt cùng với 17 di tích thành phần.