DI TÍCH LỊCH SỬ MIỀN TRUNG

TỈNH QUẢNG TRỊ

VĨ TUYẾN 17

Về với “Cầu Hiền Lương - đôi bờ sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17” những ngày này như trở về với mảnh đất của những câu chuyện anh hùng và sáng tạo, đổi mới trong phát triển. Sau Hiệp định Genève năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ đã buộc cả dân tộc ta phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ thống nhất đất nước. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc. Khu vực Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền nam.

Trong những năm tháng ấy, quân đội Mỹ và chính quyền miền nam cũ đã tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt với các chiến lược chiến tranh thâm độc cùng hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học muốn biến Quảng Trị thành vùng đất lửa, là nơi thử nghiệm vũ khí và các kiểu chiến tranh hiện đại. Nhưng người dân Quảng Trị vẫn luôn quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”. Sông Bến Hải đêm đêm tấp nập những chuyến đò chuyển quân và vũ khí từ lũy thép Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền nam ruột thịt, để thực hiện lời thề với Bác Hồ “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”, cùng cả nước viết nên khúc ca khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975. =))

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Thành Cổ Quảng Trị, hay còn có tên gọi khác là Cổ thành Quảng Trị, là một di tích quốc gia đặc biệt nằm tại ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Đây là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn và là công trình thành luỹ quân sự trên địa hạt Quảng Trị. Vào thời Pháp thuộc, nơi này chính là trung tâm của tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ. Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972, nơi đây đã được cả thế giới biết đến khi gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm đầy hào hùng của dân tộc. 

Vào thời vua Gia Long trị vị, Thành Cổ được xây dựng tại phường Tiền Kiên (nay là xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Đến năm 1809, vua Gia Long cho dời thành đến xã Thạch Hãn (tức phường 2, thị xã Quảng Trị, như vị trí ngày nay). Ban đầu thành chỉ được đắp bằng đất và mãi tới năm 1837 mới được xây lại bằng gạch dưới thời vua Minh Mạng. Ngoài ra, vào năm 1929, thực dân Pháp cho xây dựng thêm nhà lao ở đây, nơi chúng giam cầm và tra tấn những anh hùng của dân tộc ta.

Theo kiến trúc ban đầu, Thành Cổ Quảng Trị có dạng hình vuông, với chiều cao hơn 4m và chu vi tường hơn 2.000m. Thành có hệ thống hào kiên cố bao quanh với bốn góc là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Phần tường được xây dựng kiên cố bằng gạch nung cỡ lớn và được kết dính bằng vôi, mật mía cùng một số phụ gia khác. Đây chính là lối kiến trúc thành trì cổ của Việt Nam cùng với 4 cửa chính ở các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.